Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Các thể loại ảnh chân dung

Dựa trên những tài liệu về nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh tạm chia ảnh chân dung thành các thể loại sau:

1- Ảnh chân dung cá nhân: gồm 2 loại

Ảnh chân dung cá nhân dàn dựng: cho phép người chụp và người mẫu chủ động về thời gian và kỹ thuật (dù thực hiện trong phòng chụp hay ngoài trời). Nhà nhiếp ảnh và người mẫu phải cùng tham gia vào quá trình sáng tạo. Và ảnh chân dung dàn dựng được xem là thành công nếu như trông bức ảnh không có vẻ gì là…dàn dựng.
Ảnh chân dung cá nhân tự nhiên: là thể loại hấp dẫn mọi đối tượng cầm máy từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Không cần phải bố trí, sắp đặt, nhưng đòi hỏi người cầm máy phải có kỹ năng tốt, nhạy bén để có thể "chộp" được các đối tượng với những vẻ mặt, thần thái độc đáo trước khi các trạng thái đó biến mất, như các tay chụp ảnh phóng sự, sự kiện hoặc thể thao...là những người chụp rất tốt thể loại ảnh này.


2- Ảnh chân dung tập thể:

Ảnh chân dung tập thể dàn dựng: Khi chụp một bức ảnh chân dung tập thể dàn dựng, nhà nhiếp ảnh phải bố trí làm sao cho tập thể đó phải hấp dẫn, việc sắp xếp bố cục và xử lý ánh sáng cần phải kỹ lưỡng. Đồng thời phải chớp được giây phút tập trung và biểu lộ trạng thái tình cảm tốt nhất của tất cả những người trong ảnh.
Ảnh chân dung tập thể tự nhiên: là ghi lại những tư thế, những động tác bất chợt của tất cả các nhân vật trong ảnh. Bí quyết để có một bức ảnh chân dung tập thể tự nhiên là càng đơn giản càng tốt.
3- Ảnh chân dung sinh hoạt:

Chụp ảnh một cách tự nhiên nhất với đối tượng là con người đang tham dự vào công việc thường ngày, còn được gọi là ảnh đời thường và đây chính là cha đẻ của thể loại ảnh phóng sự. Các nhà nhiếp ảnh ngày xưa thường thường bố trí người mẫu trước một phông nền vẽ hình phong cảnh, nhằm làm nổi bật người mẫu hoặc giúp cho người xem ảnh biết thêm đôi điều về người trong ảnh…Ngày nay, với khuynh hướng hiện thực, nhà nhiếp ảnh chủ động đi tìm kiếm và săn các khoảnh khắc trong môi trường sống thật. Một bác chạy xe ôm, một cô bán hàng rong, một chị nông dân đang cấy lúa, một anh công nhân đang vận hành máy móc, một bà mẹ đang bế con trong lòng, hay một tập thể các em học sinh đang vui đùa…

Lưu ý: Trong ảnh chân dung điểm nhấn quan trọng nhất là khuôn mặt nhưng nhấn mạnh ở điểm nào và giảm nhẹ điểm nào trên khuôn mặt lại là sự lựa chọn của từng nhà nhiếp ảnh đối với nhân vật. Tùy vào ý đồ của nhà nhiếp ảnh: muốn làm đẹp cho chủ thể hay làm nổi bật cá tính của người mẫu. Trong ảnh chân dung không nhất thiết phải sử dụng những kỹ thuật phức tạp hay bố cục phá cách. Bản thân khuôn mặt con người vốn luôn hấp dẫn, nếu ta có thể “chộp” được một trạng thái thích hợp trên nét mặt cũng đủ giúp cho bức ảnh thành công. Nếu là chân dung toàn thân hoặc ¾ chiều cao, cần phải đặc biệt chú ý đến hai bàn tay vì trong cỡ hình này hình dáng và tư thế của hai bàn tay cho biết nhiều điều về chủ thể không kém gì gương mặt, không nên chụp ảnh chân dung nhân vật với hai tay suôn đuột hoặc không có hành động rõ ràng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét