Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Sử dụng chế độ "M" trên máy ảnh

Với 3 thông số tốc độ - khẩu độ-ISO thích hợp, bạn sẽ dễ dàng chụp ảnh với chế độ M trong mọi tình huống chụp.

Chế độ M cho phép người dùng toàn quyền quyết định các thông số tốc độ, khẩu độ, ISO, phơi sáng
Khi chưa có sự hỗ trợ của các chế độ chụp tự động, chế độ duy nhất trên máy ảnh là tự chỉnh – Manual (M). Chế độ này cho phép người sử dụng toàn quyền quyết định các thông số tốc độ, khẩu độ, bù trừ sáng. Do đó, chụp với M trong những tình huống nhanh, ánh sáng thay đổi liên tục đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật chụp ảnh.


Ở những máy ảnh phim trước đây, để lộ sáng “chuẩn” người dùng phải xoay tốc độ trên nóc máy và chỉnh khẩu độ tương ứng trên ống kính. Ngày nay, việc điều chỉnh tốc độ, khẩu độ trên máy ảnh kỹ thuật số đơn giản hơn với các bánh xe đa chức năng trên thân máy. Không chỉ máy ảnh kỹ thuật số SLR chuyên nghiệp, DSLR bán chuyên, máy ảnh ICL mới tích hợp chế độ M, mà ngay cả những mẫu máy du lịch bỏ túi cũng có thêm chế độ này.

Ưu điểm của chế độ M là cho phép bạn kiểm soát và “chơi” ảnh với tốc độ và khẩu độ theo ý mình, qua đó còn giúp bạn nắm rõ kỹ thuật chụp ảnh và kiểm soát ánh sáng tốt hơn.

Với những ai mới chụp M, chỉ cần nhớ cặp tốc độ khẩu độ 1/125 và f/11, ISO 100 hoặc 160 – sử dụng trong trường hợp trời nắng đẹp.

Để chụp với nhiều khung cảnh, bạn giữ nguyên lượng sáng đã đặt với các thông số trên và điều chỉnh cặp thông số này theo nguyên tắc một nấc chỉnh tốc độ về phía giảm/tăng lượng ánh sáng tương ứng với một nấc điều chỉnh khẩu độ để tăng/giảm lượng ánh sáng.

Trong trường hợp trời nắng gắt, bên bờ biển… ánh sáng mạnh hơn thì tăng tốc độ hoặc khép khẩu độ tương ứng. Ví dụ, 1/125 và f/16; 1/250 và f/11…
Trường hợp trời âm u, nhiều mây hay trong bóng râm nên giảm tốc độ hoặc tăng khẩu tộ tương ứng. Ví dụ, 1/125 và f/8; 1/60 và f/11…
Cũng có thể tăng ISO và giữ nguyên các thông số còn lại để có bức ảnh đúng sáng, tuy nhiên, sử dụng ISO cao đồng nghĩa với việc hình ảnh của bạn sẽ xuất hiện nhiều hạt nhiễu.
Trường hợp chụp trời nhá nhem tối, chụp trong nhà với ánh sáng yếu thì bắt buộc bạn phải tăng ISO, nhưng phải đảm bảo giữ tốc độ tối thiểu khoảng 1/40 nhằm tránh rung hình khi chụp máy cầm tay.
Một số hiệu ứng sử dụng với tốc độ và khẩu độ. 


Ảnh chụp Nikon D300s, chế độ M, tiêu cự 16mm, ISO 200, tốc độ 20 giây, khẩu độ f/22
Tạo nét nông, phông mờ, xóa phông (sử dụng trong chụp ảnh chân dung) với các khẩu độ f/4, f/ 3.3, f/2.8, f/2, f/1.8, f/1.4…
Tạo nét sâu (sử dụng chụp ảnh phong cảnh, ảnh chân dung tập thể) với các khẩu độ f/11, f/16, f/22…
Bắt đứng chuyển động (thường sử dụng chụp ảnh thể thao, chụp vật chuyển động) với tốc độ 1/250, 1/500, 1/800…
Tạo chuyển động (chụp với ý tưởng hình ảnh nhòe do chuyển động) với các tốc độ 1/15, 1/8, 1/4…
Chụp cảnh đêm, thành phố về đêm có thể phơi sáng dài từ 1 giây đến vài phút và để với khẩu độ mở nhỏ f/11, f/16, f/22...

(Sưu tầm)

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Tiêu chuẩn đánh giá bức ảnh đẹp

Chụp ảnh đã khó, để có ảnh đẹp lại khó hơn nhưng đánh giá ảnh đẹp như thế nào thì còn nhiều tranh cãi. Tác giả giúp bạn có những tiêu chuẩn để đánh giá ảnh đẹp.

1. Phân loại ảnh


Đầu tiên ông chia ảnh thành 2 loại: ảnh chụp trong điều kiện được kiểm soát (chân dung, phong cảnh…) và chụp trong điều kiện không kiểm soát được (thể thao, chân dung đời thường…). Điều này quan trọng ở chỗ đánh giá xem nhiếp ảnh gia có tận dụng được tối đa điều kiện mình có hay không.

2. Xác định điểm nhấn
Cần xác định xem nhiếp ảnh gia muốn cho người ta xem cái gì? Trong tấm ảnh phải có 1 ý tưởng hay 1 điểm nhấn. Nhiếp ảnh gia khi chụp 1 tấm ảnh cần phải có 1 lý do nào đó, nếu không tìm ra điểm nhấn thì bức ảnh không có giá trị.

3. Khía cạnh kỹ thuật
Đây chỉ là cái thứ yếu đối với John Setzler, khi xác định được điểm nhấn rồi ông mới đánh giá xem bức ảnh đã được thực hiện tốt chưa. Nếu bức ảnh được chụp trong điều kiện có kiểm soát thì ông đánh giá rất chặt chẽ, còn nếu trong điều kiện không kiểm soát được thì ông đánh giá xem bức ảnh đã tốt nhất có thể chưa, ví dụ: exposure, depth of field hay background. Điều quan trọng ở những bức ảnh này không phải là các quy luật thông thường mà thường là cảm xúc tấm ảnh tạo ra.


Việc thực hiện 1 tấm ảnh như thế nào chính là thể hiện tính cá nhân vào bức ảnh. Mọi thứ từ depth of field, khẩu độ, tốc độ, xử lý hậu kì…đều là lựa chọn cá nhân. Mọi lựa chọn nếu giúp củng cố ý tưởng của bức ảnh tốt hơn thì sẽ là lựa chọn tốt.


(Sưu tầm)

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

7 lỗi chụp ảnh phổ biến cần tránh

1. Sử dụng đèn flash mọi lúc mọi nơi
Đây là một lỗi mà rất nhiều người thường mắc phải. Họ nghĩ rằng thật đơn giản, chỉ cần bật đèn flash lên là mọi thứ đều sáng bừng. Trên thực tế, khi điều kiện ánh sáng đủ, chụp không đèn flash sẽ làm bức ảnh tự nhiên hơn, không bị chói, lóa.

2. Không để ý tới màu sắc và bố cục
Đã mặc áo nhiều họa tiết còn đứng chụp ảnh trước một bức tường vẽ đầy graffiti, vậy là người xem sẽ chẳng biết nhìn vào đâu và đâu là chủ thể chính của bức ảnh. Hãy lựa chọn phần nền, bố cục và màu sắc cho bức ảnh của bạn, tránh gây tức mắt cho người xem. 
3. Nghĩ đến việc crop (cắt) ảnh sau đó
Đừng nghĩ rằng cứ chụp một bức ảnh với nhiều yếu tố thừa để rồi crop tất cả bằng photoshop. Đôi khi bạn sẽ gặp rắc rối khi crop ảnh vì không biết loại bỏ cái gì hay làm hỏng bố cục ảnh. Hãy chọn góc chuẩn, loại bỏ “rác” trong ảnh ngay từ khi giơ ống kính từ phía người mẫu để tránh công đoạn cắt ảnh lằng nhằng sau đó. 
4. Tạo dáng ngay trước ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp
Đừng tưởng ánh sáng chói chang khiến mọi thứ bừng sáng. Trên thực tế, mặt ai cũng nhăn nhó vì chói và bức ảnh chẳng thể đẹp tự nhiên!

5. Bỏ qua các chi tiết
Đôi khi những chi tiết nhỏ làm nên bức ảnh đẹp. Vì vậy, hãy chú ý tới những gì diễn ra xung quanh bạn. Bạn có thể chỉ đơn giản chụp một góc bàn làm việc, những chiếc va li xếp sau xe trước khi đi du lịch cũng có thể cho ra một bức ảnh đầy cảm xúc. 
6. Sao chép ảnh của người khác
Bạn xem một bức ảnh đẹp và bị truyền cảm hứng bởi bức ảnh đó? Hãy tiếp thu tinh hoa chứ đừng sao chép y hệt bởi bức ảnh trở nên cứng, không cảm xúc và chẳng phải ảnh của bạn!
7. Thường xuyên chụp ảnh buổi tối
Bạn muốn có bức ảnh đẹp? Hãy dậy sớm một chút vào buổi sáng để chụp thay vì chụp mọi thứ vào buổi tối, khi ánh sáng yếu, nhiều nguồn sáng gây mất tập trung. Đặc biệt nếu bạn muốn làm nghề ảnh, chụp sản phẩm của mình để bán, ánh sáng ban ngày lại càng tạo hiệu ứng tốt hơn cho sản phẩm.

(Sưu tầm)

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm tự chụp ảnh

Nhiều người có sở thích tự chụp ảnh chân dung bằng những thiết bị hết sức đơn giản như điện thoại di động, máy ảnh du lịch hay thậm chí bằng webcam.

Tuy nhiên, không phải cứ cố đưa toàn bộ khuôn mặt vào trước ống kính là có được một bức ảnh đẹp. Gắng tìm hiểu và gắn kết bản thân với xung quanh trong sự chuyển động của không gian - thời gian sẽ giúp bạn tạo ra một tác phẩm chân dung chính mình hoàn hảo.

1. Sử dụng chức năng hẹn giờ hoặc dùng điều khiển từ xa

Đa số máy ảnh hiện nay đều cho phép hẹn giờ chụp. Thông thường, bạn chỉ cần khoảng 10 đến 15 giây để di chuyển từ nơi đặt máy ảnh đến chỗ cần chụp và chọn cho mình một tư thế thích hợp nhất. Tuy nhiên, cần chú ý lấy nét thật chuẩn xác trước khi hẹn giờ để tránh việc đối tượng chính của ảnh (là bạn) bị mờ. Sẽ chủ động hơn nhiều nếu bạn có bộ điều khiển không dây cho chiếc máy ảnh "cưng" của mình. Bạn dễ dàng tự chụp cho mình những bức ảnh không "đụng hàng" như tư thế đang nhảy, đang lộn nhào hay đang sút bóng...


2. Thay đổi cách lấy nét

Những bức ảnh ấn tượng luôn thu hút người xem bằng điểm nhấn khác lạ, dù chủ đề không mới. Bạn cũng sẽ làm được điều này với những tác phẩm tự chụp bản thân bằng một chút sáng tạo trong cách lấy nét. Một bức ảnh mà trong đó chỉ có khuôn mặt bạn hiện ra luôn khiến người xem cảm thấy nhàm chán, thậm chí mất cảm tình.

3. Thử chụp ngược sáng

Chụp ngược sáng (silhouette) rất khó, đòi hỏi người cầm máy phải nắm chắc kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho thiết bị cũng như bức ảnh xuất ra không quá cháy hay quá tối. Một tác phẩm ngược sáng tốt không chỉ giúp nhấn mạnh chủ thể mà còn diễn tả được không gian xung quanh trong sự đối lập về màu sắc. Điều cốt lõi là bạn phải quan sát và lựa chọn thật kỹ điểm đặt máy ảnh rồi tiến hành chụp thử một vài kiểu trước khi tự đưa mình vào khung hình.

Thông thường, những bức ảnh ngược sáng phải qua khâu xử lí bằng phần mềm để tăng tương phản và màu sắc. Nên làm tối chủ thể của bức ảnh (tức bạn) và làm sáng không gian xung quanh để tạo sự đối lập. Đối lập càng cao, tác phẩm của bạn càng thành công.

4. Tạo cho người xem cảm giác đối tượng trong ảnh là một người khác

Ảnh tự chụp bản thân luôn đạt hiệu quả cao khi bạn biết cách tạo ra sự tự nhiên. Người xem sẽ có cảm giác như bạn đang chụp một người nào khác chứ không phải chính mình. Đừng quá gò bó rằng, ảnh tự chụp bản thân thì bắt buộc phải nhìn rõ mặt. Một chút thay đổi trong cách bố cục hay trong cách lấy nét sẽ khiến bạn - nhân vật chính - xuất hiện nổi bật dù không nhìn rõ mặt hay toàn bộ cơ thể.

5. Tạo cảm hứng cho chính mình

Bạn phải thật thoải mái khi chụp cho mình một bức ảnh “tự sướng”. Đôi khi, những ý tưởng sáng tạo đột nhiên nảy ra và được áp dụng hợp lí sẽ khiến bức ảnh trở nên cực kỳ thú vị. Lướt qua một đoạn phim hài trên điện thoại hay nghe một bản nhạc vui vẻ là những cách đơn giản để tạo cảm hứng cho bản thân trước khi "xung trận". Bạn cũng nên thường xuyên lướt qua những trang web ảnh để học tập thêm kinh nghiệm và có thể "bắt chước" nếu thấy hợp lí.

6. Không nhất thiết phải đưa khuôn mặt vào ảnh


Bạn có thể không cần khuôn mặt mình trong bức ảnh, thay vào đó hãy đưa bàn tay, bàn chân cùng các vật dụng của bản thân vào trước ống kính. Với một chút sáng tạo trong bố cục và một chút khéo léo tại khâu xử lí, bạn sẽ có được một bức ảnh độc đáo, mang đậm chất trừu tượng.

7. Diễn tả cảm xúc

Thông thường, bạn nên hạn chế việc đưa mặt mình vào ảnh. Tuy nhiên, sẽ rất độc đáo nếu bạn biết sử dụng khuôn mặt "to đùng" này để biểu lộ cảm xúc tột bậc trước ống kính. Hãy tập trung nhấn mạnh vào đôi mắt và vòm miệng. Đặc biệt, các hiệu ứng ánh sáng nếu được biết cách bố trí sẽ giúp bạn che lấp được nhiều nhược điểm trên khuôn mặt và biểu đạt thành công cảm xúc. Nên chú ý trước khi đưa ảnh cho người khác xem, một bức ảnh tồi sẽ khiến họ mất cảm tình hay thậm chí sẽ biến bạn thành trò cười cho thiên hạ.

(Sưu tầm)

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Chụp ảnh đồ ăn: Các loại ánh sáng

Chụp ảnh thức ăn luôn sẵn nguồn nhưng xử lý chúng là cả vấn đề. Bài này giúp bạn hiểu kỹ hơn về vấn đề này.

1. Ánh sáng ngoài trời tự nhiên

Ánh sáng tự nhiên có rất nhiều ưu điểm to béo và phù hợp với các gà mờ: rẻ, tiện, đẹp. Ngoài ra ánh sáng tự nhiên là loại ánh sáng đem lại cho bạn cảm giác chân thực nhất về món ăn, ví dụ màu đỏ sẽ thành màu đỏ và màu xanh sẽ đúng là màu xanh. Tránh tình trạng gà mờ chụp quả cà chua và có hình một quả cà tím.
Tuy nhiên ánh sáng tự nhiên cũng có những quy tắc nhất định của nó. Ở Việt Nam hoặc các xứ có sương mù, thông thường ánh sáng vào lúc sáng sớm sẽ có tình trạng hơi mù, tức mù mờ. Dĩ nhiên với những ai có ống kính khủng và kỹ năng Ps siêu việt thì mù không phải là vấn đề đáng ngại gì, tuy nhiên cứ phải nói cho đủ lệ bộ.
Vấn đề thứ hai là ánh sáng tự nhiên là loại ánh sáng dàn trải rất lớn, cường độ mạnh. Nếu hôm đấy trời có mây thì chúc mừng các gà mờ, vì các bạn đã có một tấm tản sáng trị giá một triệu đô. Còn nếu xui xẻo trời xanh mây trắng đi chơi thì các gà mờ sẽ phải học cách dùng chắn sáng và phản sáng thôi.
Thông tin hấp dẫn là 1 tấm phản sáng 5 in 1 (nghe như dầu gội Pantene) chỉ có giá tầm 500k. 5 in  1 có nghĩa là có thể chắn sáng, tản sáng, hắt sáng bạc và vàng, hút sáng. Nhớ học cách gấp gọn chắn sáng, nếu không sẽ rất nhục.

Ngoài ra ở Việt Nam vào giữa trưa ánh sáng tự nhiên trở nên cực kỳ gay gắt, và làm giảm sắc độ màu xuống một phần. Việc này là một vấn đề khá khó khăn để hậu kỳ, vì nếu quá tay dễ dẫn đến tình trạng bệt màu.
Vì thế tốt nhất là buổi trưa thì gà mờ ngủ cho khỏe, chụp choẹt cái gì. Dĩ nhiên nếu bạn có trong tay 1 tấm chắn sáng cỡ bự, hoặc có một hành lang với mái hiên lớn, thậm chỉ chỉ là một tấm vải căng lên thì không có gì cản trở nữa hết. Các bạn ở Tây càng không cần phải ngại, vì do đặc tính địa lý, hầu hết các nước ôn đới đều có ánh sáng tự nhiên theo phương ngang, loại ánh sáng đẹp nhất trong nhiếp ảnh.

2. Ánh sáng cửa sổ


Ánh sáng cửa sổ là loại ánh sáng mình ưa thích nhất. Về bản chất nó là ánh sáng tự nhiên lọt qua khung cửa sổ, vì thế nó trở thành một cái đèn studio khổng lồ không tốn điện. Cái đèn này có thể tùy chỉnh hướng theo ý thích bằng cách đặt bàn chụp (hướng mình thích dùng nhất là back-side, hoặc 45 độ back-side), thêm bớt các loại chắn sáng, che sáng tùy theo sự sáng tạo của các gà mờ.
Và lúc này ta cũng có thể có ánh sáng “tây”, tức là ánh sáng theo phương xiên ngang, nếu đặt dish ngang với cửa sổ hoặc cao hơn một chút.

Ánh sáng cửa sổ thường chỉ làm sáng một bên món ăn, để khắc phục ta có thể dùng thêm 1 đèn kết hợp để giảm độ tương phản xuống hoặc 1 tấm hắt sáng cũng sẽ cho kết quả tương tự. Và vì là ánh sáng tự nhiên nên nó cũng mang đầy đủ tính chất của ánh sáng tự nhiên, chẳng hạn như hơi xanh tím vào sáng sớm và vàng nhạt vào buổi chiều tà.
Và nó còn có thêm một điểm cộng là ta có thể chơi thông ngày, không ngại nắng gắt.

3. Ánh sáng studio


Dĩ nhiên có một số thứ ta phải dùng ánh sáng studio để chụp, chẳng hạn như một tô mì lúc nửa đêm. Hoặc một đĩa thức ăn với khung cảnh là cái quán hoàn toàn vắng khách vào lúc 1h sáng. Lúc đấy ánh sáng tự nhiên sẽ là một màu đen tối u ám mà thôi.
Về ánh sáng studio, không cần thiết phải đú với các kỹ thuật phức tạp của ảnh sản phẩm (thật ra là có muốn chơi thì gà mờ cũng chưa đủ trình). Hai cái đèn với dù phản dù xuyên là đủ. Thậm chí nếu ánh sáng ở chỗ chụp đẹp, ta có thể dùng duy nhất 1 đèn với các dụng cụ hắt sáng để lấy được ánh sáng tự nhiên của quán (dân nhiếp ảnh hay gọi nó là ambient light cho soang trọn).

Ánh sáng đèn là loại ánh sáng dễ tùy biến theo ý đồ người chụp nhất, đồng thời cũng dễ tạo các hiệu ứng quảng cáo bằng ánh sáng nhất. Tuy nhiên để điều khiển ảnh sáng đèn cần một số kinh nghiệm nhất định trong việc chụp ảnh. Và hạn chế khi sử dụng ánh sáng đèn với các ambient light là cường độ đèn thường vượt quá yêu cầu và xóa hết mọi ánh sáng khác. Có thể khắc phục việc này bằng cách dùng đèn ánh sáng liên tục (các loại đèn quay phim và đèn halogen), hoặc dùng các thiết bị giảm cường độ sáng, hoặc đơn giản nhất quả đất là quay đèn đánh vào tường, trần nhà (ánh sáng phản chiếu).


(Sưu tầm)

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Những mẹo chụp ảnh trẻ em

Chụp ảnh trẻ em không phải là công việc dễ dàng nhưng cũng đem lại rất nhiều niềm vui! Chỉ với 1 vài mẹo nhỏ, những bức ảnh trẻ em sẽ thật đặc biệt và đáng giá.

Chụp ảnh hoạt động trẻ em

Trẻ em lớn rất nhanh nên sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể ghi lại chặng đường phát triển của các em từ những ngày đầu đến trường cho đến những trò chơi thể thao đầu tiên các em tham gia.
Chắc chắn sẽ có những sự kiện các em nhỏ tham gia mà bạn muốn lưu giữ kỷ niệm, đó có thể là 1 sự kiện cộng đồng và bạn muốn ghi lại hình ảnh các em giữa 1 đám đông. Bạn nên sử dụng lens phù hợp có khả năng zoom in, và giữ cho hình ảnh của các em ở giữa khung hình. Đặt chế độ chụp cho máy ảnh của bạn là thể thao bởi hành động có thể diễn ra nhanh và bạn có thể chụp được 1 loạt shot ảnh.

Giữ mãi sự ngây thơ


Sự ngây thơ luôn gắn liền với trẻ em – vậy thì tại sao không lưu giữ nó? Đó có thể là biểu hiện ngây ngô hay 1 khoảnh khắc đáng yêu vui nhộn. Hãy để trẻ em chơi đùa thoải mái, hoặc yêu cầu các em nghĩ về những câu chuyện vui vẻ nhất, hỏi các em về bí mật. Lựa chọn DOF chế độ “shallow” và chụp với tốc độ thật nhanh để lưu giữ những khoảnh khắc này.

Chụp những hoạt động thường ngày

Trẻ em luôn có những biểu lộ tình cảm và sáng tạo đa dạng. Hãy cố gắng chớp lấy những khoảnh khắc thường ngày hơn là yêu cầu các em làm mẫu theo các tư thế dập khuôn. Thời gian tắm sẽ luôn mang đến nhiều trò tinh nghịch và vui vẻ; hãy sử dụng đèn flash trong nhà nếu ánh sáng hơi mờ.

Những bức ảnh lễ hội

Các dịp lễ hội đặc biệt sẽ mang đến nhiều cơ hội cho những shot ảnh sáng tạo, hãy lưu giữ những thời khắc ấy theo các năm để thấy được sự trưởng thành của các em nhỏ.

Chụp ảnh nhóm

Sẽ luôn có những dịp đặc biệt bạn muốn lưu lại, như ngày đầu tiên đến trường, ngày đầu tiên con em vui chơi với bạn bè chúng. Nếu bạn muốn chụp ảnh trẻ em theo nhóm, hãy thật nhanh chóng và đừng bao giờ ép buộc chúng cười hay có những tư thế không tự nhiên, và không nên chụp nhiều hơn 3 shot ảnh bởi các em nhỏ sẽ mất kiên nhẫn nhanh chóng.

Trẻ em lớn lên như nào!


Các em sẽ lớn lên rất nhanh, bạn nên chụp thật thường xuyên! Nếu bạn may mắn có cơ hội được dự 1 lớp học hay bài giảng của các em, sử dụng lens chụp từ xa, zoom in và chọn chế độ DOF shallow, như vậy sẽ giúp làm mờ các em khác.

Như vậy, để có thể chụp ảnh chân dung trẻ em, điều quan trọng nhất là sự nhanh nhẹn và năng lượng của bạn – đôi khi có thể bạn còn không chụp kịp được! Nếu bạn chụp với ánh sáng hợp lý, hãy sử dụng tốc độ màn sập (shutter speed) từ 1/250 đến freeze. Bạn cũng có thể sử dụng tốc độ chậm nếu có dùng flash. Khẩu độ đặt ở mức f/5 hoặc thấp hơn nếu điều kiện ánh sáng cho phép. Bạn có thể tham khảo 1 số kỹ thuật chụp ảnh về ánh sáng tại đây để có thể lưu giữ những khoảnh khắc chân dung của các em.

Và cuối cùng, hãy thật sự thoải mái nếu muốn có những bức ảnh trẻ em thật đẹp và đáng nhớ, bạn đừng quên chú ý tới background, quần áo, đầu tóc của các em trước khi bấm máy nhé!

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

10 thủ thuật chụp ảnh đẹp với máy kỹ thuật số

1. Làm ấm sắc độ
Chắc bạn đã đôi lần thấy các tấm ảnh có cảm giác lành lạnh. Đó là do thiết lập cân bằng sáng cho máy được đặt ở chế độ "tự động". Vì vậy, khi chụp ngoài trời nắng, bạn nên chỉnh từ chế độ "auto" sang "cloudy". Sự hiệu chỉnh này giống như việc đặt một tấm lọc ấm áp lên thấu kính, làm tăng sắc đỏ và vàng.
Nếu thực sự muốn tạo ấn tượng cho những tấm hình, bạn hãy dùng một bộ lọc bằng kính phân cực khi chụp ngoài trời nắng. Được giảm cường độ sáng và các phản chiếu không mong muốn, hình ảnh sẽ giàu màu sắc và đậm nét hơn, nhất là cảnh chụp bầu trời.

2. Dùng kính mát
Nếu máy ảnh của bạn không kèm bộ lọc, hãy dùng một mắt kính mát loại tốt, đặt sát ống kính rồi chỉnh vị trí của nó khi nhìn qua màn hình LCD. Để tạo hiệu ứng mạnh nhất, hãy đứng sao cho mặt trời ở phía trên vai trái hoặc vai phải của bạn. Chất lượng ảnh sẽ tốt nhất khi nguồn sáng chiếu một góc 90 độ vào vật thể.

Một trong những tính năng bí mật ẩn giấu trong chiếc máy ảnh số là chế độ "fill flash" hay còn gọi là "flash on".Sử dụng hợp lý tính năng này, bạn sẽ tiến được một bước quan trọng trong việc chụp cảnh ngoài trời.

3. Thể hiện chân dung ngoài trời nắng
Ở chế độ "flash on", camera phơi sáng hình nền trước rồi mới thêm đủ độ sáng để phản chiếu đối tượng mà bạn chọn làm tâm. Đây cũng là thủ thuật mà thợ ảnh chụp đám cưới áp dụng nhiều năm nay.

Một điều chú ý nữa là tầm ảnh hưởng của đèn flash tích hợp trong camera chỉ khoảng 3m hoặc ít hơn, do đó, không nên đứng xa đối tượng khi chụp ngoài trời. Bạn có thể áp dụng kỹ thuật đặt đối tượng chụp ở vị trí mà mặt trời chiếu sáng từ tóc đến bên hông hoặc bên lưng (thường gọi là viền chiếu) hoặc đưa đối tượng đến một bóng cây rồi dùng flash để chiếu. Điều này sẽ khiến "người mẫu" thoải mái hơn, không bị nheo mắt.

4. Chụp cận cảnh với chế độ Macro Mode


Khi nhận ra những thế giới tý hon thú vị và muốn lưu giữ hình ảnh, bạn không cần nằm dài ra nền đất khi dùng chế độ "close up" hay "macro mode" trên máy ảnh số.

5. Chỉnh đường chân trời
Nhưng chú ý, khi dùng chế độ này bạn chỉ có được chiều sâu hạn chế. Vì vậy, hãy tập trung vào phần quan trọng nhất để chụp.
Thấu kính quang của camera thường "bóp méo" hình ảnh khi hiển thị phong cảnh rộng trên màn hình LCD 2 inch. Những hàng cây đứng thẳng trong mắt bạn có vẻ như bẻ cong vào trên màn hình và khiến người chụp mất định hướng. Như vậy, hãy cố gắng chụp hình với đường chân trời nằm thật ngang bằng.

6. Thẻ nhớ dung lượng lớn
Thẻ nhớ có lớn sẽ giúp bạn lưu trữ nhiều ảnh hơn và mỗi tấm ảnh có dung lượng lớn sẽ tạo ra chất lượng tốt hơn (độ mịn, màu sắc...). Ví dụ: máy ảnh 3.0 megapixel cần ít nhất thẻ 256 MB, 4.0 megapixel cần ít nhất 512 MB hay 6.0 megapixel cần thẻ từ 1 GB trở lên.

7. Chỉnh kích cỡ ảnh
Khi bộ nhớ cho phép, bạn có thể thoải mái để ảnh chụp ở các kích cỡ khác nhau, nhưng tốt hơn hết hãy để ảnh ở độ phân giải cao nhất. Ví dụ: ảnh có kích cỡ 640 x 480 khi in ra chỉ bằng một tấm danh thiếp, còn cỡ 2272 x 1702 sẽ cho ra tấm ảnh lớn và sắc nét có thể in trên tạp chí.

8. Giá đỡ
Thiết bị 3 chân này tỏ ra rất hữu dụng dù hơi cồng kềnh. Trên thị trường cũng có loại nhỏ gọn hơn và thích hợp cho mọi tình huống. Giá đỡ giúp bạn tự chụp mình hay tránh bị rung tay do thấm mệt.

9. Đặt giờ chụp
Chức năng này có trên hầu hết các loại máy ảnh số và đợi được đến 10 giây sau khi bấm nút. Bạn có thể dùng"self timer" cho nhiều tình huống khác nhau như đặt cảnh nền để chụp chính mình hay bắt hình trôi chậm.


10. Chụp hình nước chảy chậm
Các hình ảnh ấn tượng này được tạo ra bằng cách tìm bố cục chuẩn cho một dòng nước chảy, sau đó để cửa trập mở trong một, hai giây. Bạn sẽ cần đến giá đỡ để cố định camera trong quá trình chụp dài và chức năng self timer để hạ cửa trập. Nếu máy ảnh của bạn có chế độ đặt độ mở của cửa thì đặt theo f-8, f-11 hay f-16. Điều này sẽ giúp bạn tạo ra chiều sâu cho cảnh và giúp cửa trập đóng từ từ.
hơn 1 giây.

(Sưu tầm)

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Bí quyết để có ảnh đẹp

Chụp ảnh hiện nay không còn xa lạ ở Việt Nam, nhất là trong giới trẻ. Nhưng để chụp được những bức ảnh đẹp, bạn cần biết cách tạo dáng để làm nổi bật vẻ đẹp của minh. Dưới đây là một số bí quyết để có những bức ảnh tuyệt vời:
Tự nhiên

Ảnh nghệ thuật - Bí quyết để có một bức ảnh đẹp

- Điều quan trọng nhất khi chụp ảnh đó là tạo sự tự nhiên sẽ là cách tốt nhất để bạn thả hồn vảo ảnh.
- Đừng ngại nắng, đừng ngại mưa, có những khoảnh khắc ánh sáng hay không gian sẽ là điều hài hòa làm thành bức ảnh tuyệt vời.

Tạo dáng

- Đứng tự nhiên, thẳng lưng, như vậy thì sẽ để lộ đường cong từ chân, cánh tay.
- Đứng thẳng, nhưng không phải là đứng nghiêm nghị như người lính mà đứng thẳng một cách tự nhiên. Kéo dãn cổ để hai tai và vai bạn tách rời nhau. Một điều quan trọng không kém là hóp bụng lại.
- Cho thân hình mảnh mai hơn: hơi nghiêng người xa khỏi máy chụp ảnh, 45 độ là hoàn hảo. Mở rộng 1 bàn chân về phía trước, hay đổi trọng lượng của bạn ra chân phía sau và đưa vai vuông tóc với máy ảnh. Hơi cong đầu gối sẽ cho bạn một thân hình sexy hơn. Một bàn tay của bạn đặt nơi hông và như vậy bạn đã hoàn thành cách tạo dáng.
- Thở ra, đừng hít vào khi chụp ảnh. Nghĩ đến những điều vui vẻ để có nụ cười tự nhiên trên khuôn mặt. Hơi nghiêng cằm và nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh.
- Khi chụp ảnh, các bạn gái nên khum nhẹ hai vai lại để ngực trông đầy đặn. Đặt một chân lên trước chân kia, như vậy trông đôi chân bạn sẽ dài hơn.
- Hai đầu gối hơi chùng xuống, nhưng không được chụm vào nhau, bàn chân hướng ra phía trước. Hai vai nên xoay ¾ về đằng trước để người và eo bạn trông mảnh mai hơn.
Tạo hình khuôn mặt
- Tuyệt chiêu của người mẫu chuyên nghiệp: Lưỡi chống phía sau răng hàm trước, có thể làm cho phần môi mọng hơn và khuôn mặt càng xinh hơn.
- Nếu là chụp ảnh kỷ niệm với bạn bè ở nơi tổ chức hôn lễ thì cố gắng để mặt ở vị trí phía sau người khác 1 chút, như vậy thì mặt bạn sẽ nhỏ đi.
- Đầu hơi ngửa lên trên, mũi sẽ nhỏ đi chút xíu.

Ảnh nghệ thuật - Bí quyết để có một bức ảnh đẹp

- Tự tin, thoải mái, và cười mỉm là trạng thái ăn ảnh nhất, trong ảnh cưới tốt nhất đừng cười quá lớn, để tránh cho nếp nhăn ở hai mắt rõ hơn.
- Để mặt thanh tao hơn, bạn hãy hơi cúi xuống, mắt hơi nhìn lên trên thì sẽ có thần và nhìn to hơn.
- Cố gắng hơi nghiêng 45 độ hoặc 65 độ, như vậy mặt sẽ nhỏ hơn, nét hơn.
- Nếu đó là một ngày với nhiều ánh nắng mặt trời và bạn không thể dừng việc nheo mắt thì hãy nhờ nhiếp ảnh gia đếm từ 1 – 3 và đôi mắt bạn sẽ mở ra đúng thời điểm chụp hình.
- Tránh những nụ cười to và nụ cười giả. Chỉ cần bạn là chính mình và giả vờ nhiếp ảnh gia không có mặt ở đó. Tập trung vào thể hiện tình yêu với vị hôn phu của mình và như vậy vẻ đẹp của bạn sẽ tỏa sáng
- Hạ cằm: Hạ cằm xuống sẽ khiến khoảng cách từ mắt tới máy ảnh gần hơn so với từ mũi và cằm, từ đó khiến mắt trông to hơn và điểm nhấn của bức ảnh sẽ tập trung vào đôi mắt. Việc luyện tập động tác này trước gương đôi khi khiến bạn cảm thấy hơi gượng gạo, nhưng cũng giống như những stylist chuyên nghiệp vẫn làm, hiệu quả của nó rất đáng kể.

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Các bí quyết giúp nàng 'ăn ảnh'

Có một nghịch lý rằng: những cô nàng ăn ảnh thường có nhan sắc không quá nổi bật, còn nhiều người ngoài đời rất xinh đẹp và nóng bỏng nhưng lại kém sắc khi chụp hình. Để đẹp khi lên ảnh không chỉ cần ngoại hình vốn có của bạn mà còn cả nhiều yếu tố quan trọng khác như nụ cười thu hút đặc trưng, điều kiện ánh sáng, trang phục và đặc biệt là cách tạo dáng.

1. Nghĩ đến những điều tích cực

Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng cách để có biểu cảm khuôn mặt tốt là suy nghĩ về những điều tích cực khi chụp ảnh: một kỉ niệm đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ hay những điều ngọt ngào mà người thân bạn bè từng làm cho bạn. Nhiếp ảnh gia kiêm stylist nổi tiếng Anna Naphtali đã từng nói: "Nghĩ về những điều hạnh phúc khi chụp giúp tạo dáng tự nhiên và cười chân thật hơn, đồng thời cũng xóa bỏ những biểu cảm khiên cưỡng".

2. Luyện biểu cảm khuôn mặt


Hãy tìm hiểu ưu khuyết trên khuôn mặt bạn để khắc phục chúng khi chụp ảnh, ví dụ như: Môi bạn mỏng, hãy khép hờ môi và thổi nhẹ trong khi chụp để tạo cảm giác môi dày hơn. Siêu mẫu quốc tế Sarah Ingle từng khuyên rằng: "Những người có khuôn mặt đầy đặn nên tránh hướng mặt vào thẳng ống kính máy ảnh mà nên hơi ngả đầu sang một bên". Cằm nhọn và mũi tẹt ư? Sarah cũng gợi ý rằng nên hếch cằm về phía trước khi chụp nghiêng để khuôn mặt trông cân đối hơn.
Và hãy thử cầm lấy điện thoại và 'tự sướng' liên tục cho tới khi tìm góc mặt hay nụ cười làm bạn ưng ý nhất.

3. Nâng máy ảnh lên cao

Khi chụp, luôn luôn đặt máy ảnh từ ngang mắt trở lên hoặc cao hơn. Việc này giúp tạo ra đường viền cằm hoàn hảo cho người bạn chụp.

4. Ánh sáng là chìa khóa vàng

Theo như nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung Aaron Gil, bí quyết quan trọng nhất giúp bạn đẹp khi lên ảnh là cách bắt ánh sáng thích hợp bổ sung cho gương mặt bạn: "Nên tránh những ánh sáng gắt làm lộ rõ nhược điểm trên mặt bạn và tạo ra những vùng tối dưới mắt và mũi. Cách lấy sáng thích hợp nhất là từ đỉnh đầu cho tới cằm và từ gò má này sang gò má kia".

5. Đơn giản hóa mọi thứ

Đừng quá cố tạo dáng phức tạp, hãy thả lỏng cơ thể, tạo dáng đơn giản, tự nhiên. Jamie McCarthy, nhiếp ảnh gia kiêm quản lý trang web chia sẻ ảnh lớn Getty Images, có lời khuyên quý báu rằng: "Đừng tạo dáng gượng ép, cứng nhắc, hãy thoải mái và thư giãn. Cố gắng không để cơ thể và gương mặt bị 'đơ' , luôn đứng thẳng và đôi khi hơi cong lưng chút". Và giống như Tiifany đã nói ở trên, luyện tập, luyện tập và luyện tập!

6. Chống tay vào hông

Chống tay vào hông luôn là cách cổ điển nhưng hữu hiệu. McCarthy nói rằng: " Việc đặt tay vào hông không chỉ nhấn vào vòng eo của bạn mà còn tạo cho bạn cảm giác bản thân gầy hơn, thậm chí giúp cho bức ảnh trông tự nhiên và sống động hơn thay vì việc buông lỏng tay ". Khi tạo dáng này, bạn nên đặt ngón cái ra ngoài, lòng bàn tay hướng vào trong để tạo điều kiện " khoe ra " những chiếc nhẫn hay trang sức khác và đồng thời để bản thân trông thoải mái, tự nhiên hơn.

7. Giữ dáng khi ngồi

"Bạn hoàn toàn có thể bị mờ nhạt giữa khung cảnh nếu bạn không điều chỉnh cách tạo dáng khi ngồi" Nigel chia sẻ tiếp. "Luôn ngồi thẳng và vuông góc với mặt ghế. Nó sẽ giúp tạo cảm giác thân trên của bạn dài hơn và đảm bảo rằng nhiếp ảnh gia có thể chụp được những dáng đẹp nhất của bạn".

8. Mặc trang phục phù hợp

Mặc quần áo phù hợp sẽ giúp bạn trông nhẹ hơn 3 - 5 cân, Aaron Gil lưu ý: "Tông màu tối sẽ giúp dáng người cùng bắp chân, bắp tay bạn trông nhỏ hơn. Nên tránh những chiếc áo phông hay cộc tay vì chúng sẽ tố cáo bắp tay to của bạn". Họa tiết kẻ ngang thì tạo cảm giác hông bạn to hơn bình thường. Bạn có thể tham khảo các gợi ý chọn những trang phục phù hợp với dáng người sau: Khéo tôn dáng cùng "Đen- trắng", Bí quyết 'tôn dáng' cùng kẻ sọc, Chọn váy xòe 'hoàn hảo' cho từng vóc dáng, Chọn sơ mi trắng theo dáng người, Chọn sóoc hè hoàn hảo theo dáng người ...

9. Nắm rõ những kiểu trang điểm


Amanda Belluco, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến từ New York đã từng nói: "Nếu khách hàng của tôi chuẩn bị trang điểm, tôi sẽ luôn nhắc họ rằng không nên sử dụng phấn nền hoặc kem che khuyết điểm chứa SPF vì chúng sẽ phản chiếu ánh sáng. Khi bị phản sáng cùng với đèn flash, da mặt bạn sẽ trông nhợt nhạt và bóng nhờn. Tốt nhất nên trang điểm tự nhiên và nhớ rằng khi lên ảnh, màu môi, màu phấn má và đặc biệt là màu phấn mắt hay bị làm nhạt đi nên đừng ngại trang điểm đậm ở những vùng này".

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Chụp ảnh đẹp tự nhiên không khó

Bạn luôn muốn chụp được những bức ảnh đời thường thật đẹp và thật tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng, kể cả đối với những tay máy được liệt vào hàng "dân chuyên nghiệp". Các tình huống tự nhiên thường xảy ra đột ngột và qua đi nhanh chóng, nhưng đối tượng mà bạn muốn "bắt hình" luôn có xu hướng ngượng nghịu khi đứng trước ống kính lúc nào cũng sẵn sàng "nhả đạn". Một số gợi ý sau sẽ giúp bạn giải quyết những khó khăn thường gặp trong những tình huống tương tự như chụp ảnh đám cưới, tiệc tùng hay hội họp...

1. Sử dụng ống zoom tiêu cự dài


Ống một tiêu cự độ mở lớn luôn đem lại những thước chụp đẹp cả trong những điều kiện ánh sáng ngặt nghèo. Tuy nhiên, chúng thường làm bạn mất khá nhiều thời gian để di chuyển bố cục khung hình. Điều này khó có thể chấp nhận trong các bữa tiệc đông nghẹt người hay những buổi hội họp cần sự trang trọng. Bạn nên đầu tư một ống zoom tiêu cự dài hay tốt nhất là một ống zoom đa mục đích để có thể tùy ý "bắt gọn" những khoảnh khắc đẹp mà không bị giới hạn bởi khoảng cách tới đối tượng.

2. Không sử dụng đèn flash

Cách rõ ràng nhất để báo cho mọi người biết rằng họ đang bị chụp là sử dụng flash. Tệ hại hơn nữa, đèn trợ sáng có thể bật lên bất cứ lúc nào máy ảnh cảm thấy khó lấy nét. Bạn sẽ đánh mất những thước ảnh quý giá do những sai lầm sơ đẳng này gây nên. Vì vậy, hãy cố gắng chụp mà không sử dụng flash nếu đã đủ sáng. Trong các tình huống chụp ảnh trong nhà hoặc vào các buổi chiều tối, bạn nên tăng ISO cao nhất có thể, sử dụng ống kính khẩu lớn hơn hoặc bật mặc cảnh "Ánh sáng tự nhiên" (Natural light mode) nếu máy bạn có chế độ này.

3. Di chuyển nhiều và chụp nhiều

Cách tốt nhất để "bắt" được những tình huống tự nhiên là luôn sẵn sàng cầm máy để chụp. Nếu chỉ đứng một chỗ, ảnh của bạn sẽ trở nên rất nhàm chán và đơn điệu. Khi chụp tiệc tùng, bạn nên cố gắng di chuyển nhiều, thậm chí cũng nên nói chuyện với những người xung quanh để tạo không khí thoải mái. Hãy bật máy ở chế độ chụp liên tục vì bạn càng có nhiều ảnh trong tay, càng dễ lọc ra bức ảnh ưng ý nhất. Bạn cũng nên thử chụp các góc độ khác nhau với cùng một đối tượng để tạo ra sự đa dạng cho bộ ảnh sau này.

4. Lựa chọn vị trí và thời điểm phù hợp

Trong nhiếp ảnh, chọn vị trí và thời điểm bấm máy luôn là yếu tố quyết định sự thành công. Bất cứ ai cũng có khả năng cầm máy và di chuyển khắp bữa tiệc để chụp ảnh, nhưng đứng ở đâu và chụp như thế nào cho hợp lý lại là một chuyện khác. Bạn nên biết trước diễn biến của buổi tiệc để dễ dàng lường trước các sự việc sẽ xảy ra. Tư duy theo hướng này luôn giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức thay vì phải chạy vòng quanh chụp không có mục đích rõ ràng.

5. Chụp khi đối tượng đang vận động

Chụp khi đối tượng đang bận rộn thú vị hơn rất nhiều so với việc chĩa ống kính vào những người đang ngồi thảnh thơi. Hành động khiến ảnh sống động hơn, thể hiện được rõ hơn bối cảnh và không khí buổi tiệc. Bạn có nhiều thời gian để tác nghiệp, do đó, hãy từ từ để mọi người quen dần với sự xuất hiện của bạn. Không nên chĩa ống kính vào người cần chụp quá lâu vì đa phần họ sẽ cảm thấy ngượng nghịu, thậm chí khó chịu ra mặt. Nguyên tắc đơn giản để có được một bức ảnh tự nhiên là chụp khi đối tượng không để ý nhất. Tuy nhiên, đừng nên chụp những tình huống hớ hênh hoặc khi mọi người không cho phép.

6. Bố cục ảnh có nhiều người


Bức ảnh có nhiều người giúp thể hiện tốt hơn các mối quan hệ và không khí của buổi tiệc, thậm chí giúp người xem hình dung ra câu chuyện mà người trong ảnh đang bàn tán. Trong nhiếp ảnh đời thường, bố cục có nhiều người là điều không thể tránh khỏi. Cô lập và xóa phông mờ tịt bằng các ống tele có thể là một cách hay để nhấn mạnh chủ thể, tuy nhiên, sẽ gây hạn chế về góc nhìn cũng như không thể hiện được sự tương tác giữa đối tượng với môi trường xung quanh. Chụp ảnh trong đó có hai hay nhiều nhân vật đồng nghĩa với việc giảm tiêu cự ống kính, do vậy, tác phẩm sẽ có thêm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cần chú ý, việc lấy càng nhiều đối tượng vào ảnh thì nguy cơ thu thêm những mảng hậu cảnh rối rắm càng cao.

7. Chụp bất chợt

Nếu người được chụp biết được sự có mặt của một "nhiếp ảnh gia" bên cạnh, họ sẽ cảm thấy căng thẳng và đôi khi có những hành động không tự nhiên. Camera kỹ thuật số luôn có ưu thế hơn hẳn các "tiền bối" sử dụng phim ở chỗ, chúng cho phép chụp rất nhiều ảnh mà không phải đắn đo chi li. Bạn nên thiết lập ống kính ở tiêu cự ngắn (góc rộng hơn) và thời gian phơi sáng thấp để sẵn sàng "bắt gọn" đối tượng mà không cần nhìn lên khung ngắm. Việc cắt cúp, tái bố cục ảnh có thể thực hiện ở các khâu sau này.

8. Phối cảnh theo kiểu phá cách

Có rất nhiều phương pháp phối cảnh phá cách để bạn lựa chọn như: chụp từ hông (thay vì chụp toàn bộ người), chụp từ trên xuống hay từ dưới lên (thay vì chụp ngang mặt), chụp một chi tiết trên cơ thể hay chụp không theo quy tắcmột phần ba... Bạn cũng có thể chụp một bức ảnh với các mảng tiền cảnh nằm trước những không che khuất khuôn mặt đối tượng cần nhấn mạnh. Cách bố cục này hay được sử dụng trong các lễ cưới và các buổi tiệc đông người, vốn rất khó đảm bảo đủ không gian cho các thước chụp thoáng.

9. Chụp khi mọi người đang tạo dáng

Sẽ rất thú vị khi bạn đứng ở một góc khuất và chụp lúc mọi người đang tạo dáng cho một bức hình khác. Ảnh thu được nhiều khi rất ngộ nghĩnh vì người chụp chỉ quan tâm đến tay máy trước mặt mình chứ không hề chú ý đến bạn. Nếu bạn là nhiếp ảnh gia duy nhất của buổi tiệc, cứ tiếp tục chụp kể cả khi mọi người nghĩ rằng bạn đã hoàn thành xong công việc. Bạn sẽ "bắt" được những khoảnh khắc rất "độc" mà những bức ảnh tập thể theo lối sắp đặt trước không thể nào đạt được

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

10 kỹ thuật chụp ảnh đồ ăn

Chụp ảnh đồ ăn có lẽ là nhánh nhiếp ảnh phát triển nhanh nhất, nhờ vào sự phổ biến của blog, smartphone và những show truyền hình như Masterchef. Nhưng để chụp được bức ảnh đồ ăn tạo cảm giác ngon miệng không hề dễ dàng.

Sử dụng ánh sáng tự nhiên


Ánh sáng tự nhiên sẽ mang đến màu sắc và độ tương phản của những bức ảnh chụp đồ ăn của bạn. Hãy để tác phẩm chụp cạnh 1 ô cửa số lớn hoặc ngoài trời để có đủ lượng ánh sáng cần thiết cho bức ảnh của bạn.

Sử dụng flash

Flash có thể cung cấp tất cả lượng sáng cần thiết cho bạn nhưng sẽ dễ xảy ra hiện tượng những ánh sáng nhỏ không mong muốn. Để khắc phục hiện tượng này, hãy thử chụp phản chiếu flash qua 1 tấm card trắng thay vì chụp trực tiếp vào món ăn.

Bố cục

Bố cục tốt nhất là tối giản, nhưng những chi tiết dàn cảnh như chiếc bát đĩa sành chất lượng cao hoặc dao dĩa đặc biệt có thể thêm hiệu ứng cho shot ảnh. Hãy chỉ dùng những chi tiết phù hợp nhất với ý nghĩa bạn muốn truyền tải.

Tạo hình khối

Những hình khối sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho bức ảnh, nhất là ảnh sản phẩm chụp trong nhà, bạn sẽ cần ghi nhớ điều này khi cắt món ăn và sắp xếp chúng trên chiếc đĩa trước khi chụp.

Bày biện món ăn

1 đĩa pasta thông thường sẽ trông không ngon miệng, nhưng nếu bạn thử thêm những gia vị hay bày biện cùng 1 chút rau thơm hay những lát cà chua màu sắc, chắc chắn món ăn sẽ trở nên ngon mắt hơn đó.

Chế độ chụp


Chế độ chụp landscape sẽ làm nổi bật màu xanh lá và xanh da trời, còn chế độ standard sẽ nhấn vào màu đỏ và vàng. Bởi vậy để có bức ảnh ngon mắt, hãy đảm bảo bạn chọn được chế độ chụp phù hợp nhất với màu sắc bạn muốn làm nổi bật


Cân bằng sắc trắng



Thiết đặt white balance khác nhau như Daylight, Cloudy, Shade hay Tungsten, có thể thêm những hiệu ứng màu sắc làm cho shot ảnh ấn tượng hơn.

Lựa chọn tiêu điểm


DOF nhỏ, khi chỉ 1 phần nhỏ món ăn được lấy nét, cũng làm shot ảnh đặc biệt. Bạn hãy sử dụng ống macro hoặc ống kính dài với khẩu độ rộng để có kết quả như ý

Màu sắc


Để có hiệu ứng ánh sáng thực, hãy tăng thiết lập saturation ở chế độ Custom, hoặc làm điều này bằng các chương trình như Digital Photo Professional hoặc Photoshop Elements


Những món ăn nóng


Những món ăn bốc khói nghi ngút sẽ tạo cảm giác nóng hổi. Hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trước khi bạn chụp ảnh nhé!

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Bí quyết pose hình đẹp

Làm thế nào để chỉnh dáng pose cho mẫu ngày càng chuyên nghiệp hơn?

1. Hãy luyện tập nhiều! Thật nhiều! Hãy dành thời gian đứng trước gương và thử các kiểu pose mà bạn nghĩ ra. Hãy luyện tập các kiểu pose này cho tới khi bạn cảm thấy thoải mái.

2. Hãy tìm hiểu xem kiểu pose nào là phù hợp với cá tính và cảm xúc mà bạn muốn lưu lại trong bức ảnh. Không một kiểu pose nào, dù có dễ dàng đến mấy, là dành cho tất cả mọi người. Mỗi người đều có những bộ phận không được "hợp lý" trên cơ thể hoặc với một kiểu tạo dáng nào đó.

3. Hãy đi tìm những kiểu pose tự nhiên nhất có thể. Nếu mẫu của bạn không cảm thấy tự nhiên, bức ảnh của bạn sẽ rất cứng, dù là trong ống ngắm hay trên ảnh in ra. Mục đích quan trọng nhất của việc "pose ảnh" là giúp cho người mẫu của bạn truyền tải thông điệp của họ. Do đó, đừng ép họ phải tuân theo kiểu pose mà bạn đã nghĩ ra một cách quá cứng rắn theo chủ quan của bạn. Hãy bảo họ hãy tự nhiên, bạn sẽ thấy họ thích ứng rất nhanh với kiểu pose có thể giúp họ cảm thấy thoải mái.

Nhìn chung, cách tốt nhất để học cách làm dáng chuẩn trước ống kính là chú ý tới tất cả các bộ phận trên cơ thể, cho tới khi bạn cảm thấy hoàn toàn tự nhiên. Hãy nhớ rằng "học pose" cũng là một quá trình học hỏi cần sự kiên trì của bạn.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Cách tạo dáng chuẩn trong chụp ảnh chân dung

Các phần quan trọng của một bức ảnh chân dung đẹp bao gồm ánh sáng (trong nhà và ngoài trời), địa điểm sáng tạo, bố cục hài hòa, cá tính của người mẫu, và quan trọng hơn hết là tư thế biểu cảm của người bạn sẽ chụp.

"Pose ảnh" thực chất là một hình thức lưu lại ngôn ngữ của cơ thể. 2 ngón tay hình chữ V? Đầu hơi nghiêng sang một bên? Ánh mắt nhìn về nơi xa?... Tất cả những cử chỉ này đều nói lên một điều gì đó về người mẫu. Nhiệm vụ của bạn là giúp người mẫu của mình có thể thể hiện cá tính một cách hiệu quả nhất thông qua bức ảnh.

Hãy thử nghĩ về tư thế pose (tạo dáng): Một người tự tin vào bản thân sẽ không ngồi cúi đầu. Thay vào đó, họ sẽ đứng ngẩng cao đâu với nét mặt yêu đời. Một người rụt rè có lẽ sẽ không nhảy múa trên đường phố, nhưng một người thích thể hiện bản thân chắc chắn sẽ làm như vậy.


Khi đã hiểu rõ tầm quan trọng của tư thế "pose ảnh", bạn sẽ nhận ra rằng mỗi bộ phận trên cơ thể sẽ góp phần vào thông điệp chung của bức ảnh chân dung, tùy vào tư thế của bộ phận này. Bạn cần phải hiểu rõ từng bộ phận tay, chân, đầu... trong bức ảnh để thể hiện rõ cá tính của người mẫu (và làm cho họ vừa lòng).

Trước hết, hãy cùng đến với những nguyên tắc căn bản cho từng bộ phận cơ thể trong khi chụp hình. Từ các bộ phận này, bạn sẽ tìm ra cách kết hợp phù hợp nhất để đưa ra thông điệp của mình.

1. Bàn tay

- Các bạn nữ nên duỗi thẳng các ngón tay, tạo vẻ mềm mại.

- Các bạn trai nên nắm chặt ngón tay giống như nắm đấm.

2. Cánh tay

- Khuỷu tay hơi khép, gập sẽ tạo ra cảm giác thoải mái.

- Cánh tay duỗi thẳng sẽ tạo ra cảm giác trang trọng, hơi "cứng" và do đó cần được sử dụng cẩn thận.

3. Bàn chân

- Tạo khoảng cách giữa 2 bàn chân bằng chiều rộng của hông sẽ tạo ra cảm giác mạnh mẽ.

- 2 bàn chân có góc mở, chiều cao không bằng nhau sẽ tạo ra chiều sâu tương đối cân bằng cho bức ảnh, ví dụ như khi đứng trên bậc thang hoặc ngồi trên ghế.

4. Chân

- 2 chân mở rộng một khoảng bằng hông khi đứng sẽ tạo cảm giác tương đối khỏe mạnh.

- Khi đứng, người mẫu nên sử dụng một chân làm trụ và dồn trọng lượng cơ thể lên chân này. Chân còn lại có thể hơi cong, hoặc duỗi về phía sau giống như một người vũ công mềm mại.

5. Hông

- Các bạn nữ hơi nghiêng hông về phía trước sẽ có vẻ gầy hơn khi chụp ảnh.

6. Đầu/Cằm

- Đầu hơi nghiêng về phía sau sẽ tạo ra thái độ khá "ngổ ngáo" và thách thức, đặc biệt là từ các chàng trai.

- Đầu nghiêng về phía vai cao hơn sẽ tạo ra cảm giác vui vẻ và gợi cảm.

- Đầu hơi nghiêng về phía vai thấp hơn sẽ tạo ra cảm giác uy lực, chứng tỏ vị thế.


7. Vai

- 2 vai nên có chiều cao lệch nhau (một bên vai hơi thấp hơn bên vai còn lại).

- Vai cân bằng sẽ tạo ra thái độ tương đối mạnh mẽ.

8. Các khớp nối trên cơ thể

- Nhìn chung, bạn không nên giữ đầu gối, khuỷu tay, ngón tay thẳng. Nếu một bộ phận có thể nghiêng được, hãy nghiêng bộ phận đó.


Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Kỷ niệm bên gia đình thân yêu

Gia đình nơi đầu tiên hình thành nên nhân cách của mỗi con người. Cho dù là ai, ở bất cứ địa vị nào sau bao thăng trầm của cuộc sống rồi họ vẫn phải tìm về với mái ấm gia đình, ở đây họ được hưởng sự yên bình và cảm nhận hạnh phúc thực sự.


Trong xã hội ngày nay, cuộc sống quay vòng với "cơm, áo, gạo, tiền" thì sự quan trọng của gia đình lại càng nên được để ý và trân trọng. Và những khoảnh khắc cùng chia sẻ niềm vui, chia sẻ những kỷ niệm bên gia đình thân yêu sẽ đem lại cho mỗi thành viên trong gia đình sự gắn bò thân thiết với nhau hơn.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Các thể loại ảnh chân dung

Dựa trên những tài liệu về nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh tạm chia ảnh chân dung thành các thể loại sau:

1- Ảnh chân dung cá nhân: gồm 2 loại

Ảnh chân dung cá nhân dàn dựng: cho phép người chụp và người mẫu chủ động về thời gian và kỹ thuật (dù thực hiện trong phòng chụp hay ngoài trời). Nhà nhiếp ảnh và người mẫu phải cùng tham gia vào quá trình sáng tạo. Và ảnh chân dung dàn dựng được xem là thành công nếu như trông bức ảnh không có vẻ gì là…dàn dựng.
Ảnh chân dung cá nhân tự nhiên: là thể loại hấp dẫn mọi đối tượng cầm máy từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Không cần phải bố trí, sắp đặt, nhưng đòi hỏi người cầm máy phải có kỹ năng tốt, nhạy bén để có thể "chộp" được các đối tượng với những vẻ mặt, thần thái độc đáo trước khi các trạng thái đó biến mất, như các tay chụp ảnh phóng sự, sự kiện hoặc thể thao...là những người chụp rất tốt thể loại ảnh này.


2- Ảnh chân dung tập thể:

Ảnh chân dung tập thể dàn dựng: Khi chụp một bức ảnh chân dung tập thể dàn dựng, nhà nhiếp ảnh phải bố trí làm sao cho tập thể đó phải hấp dẫn, việc sắp xếp bố cục và xử lý ánh sáng cần phải kỹ lưỡng. Đồng thời phải chớp được giây phút tập trung và biểu lộ trạng thái tình cảm tốt nhất của tất cả những người trong ảnh.
Ảnh chân dung tập thể tự nhiên: là ghi lại những tư thế, những động tác bất chợt của tất cả các nhân vật trong ảnh. Bí quyết để có một bức ảnh chân dung tập thể tự nhiên là càng đơn giản càng tốt.
3- Ảnh chân dung sinh hoạt:

Chụp ảnh một cách tự nhiên nhất với đối tượng là con người đang tham dự vào công việc thường ngày, còn được gọi là ảnh đời thường và đây chính là cha đẻ của thể loại ảnh phóng sự. Các nhà nhiếp ảnh ngày xưa thường thường bố trí người mẫu trước một phông nền vẽ hình phong cảnh, nhằm làm nổi bật người mẫu hoặc giúp cho người xem ảnh biết thêm đôi điều về người trong ảnh…Ngày nay, với khuynh hướng hiện thực, nhà nhiếp ảnh chủ động đi tìm kiếm và săn các khoảnh khắc trong môi trường sống thật. Một bác chạy xe ôm, một cô bán hàng rong, một chị nông dân đang cấy lúa, một anh công nhân đang vận hành máy móc, một bà mẹ đang bế con trong lòng, hay một tập thể các em học sinh đang vui đùa…

Lưu ý: Trong ảnh chân dung điểm nhấn quan trọng nhất là khuôn mặt nhưng nhấn mạnh ở điểm nào và giảm nhẹ điểm nào trên khuôn mặt lại là sự lựa chọn của từng nhà nhiếp ảnh đối với nhân vật. Tùy vào ý đồ của nhà nhiếp ảnh: muốn làm đẹp cho chủ thể hay làm nổi bật cá tính của người mẫu. Trong ảnh chân dung không nhất thiết phải sử dụng những kỹ thuật phức tạp hay bố cục phá cách. Bản thân khuôn mặt con người vốn luôn hấp dẫn, nếu ta có thể “chộp” được một trạng thái thích hợp trên nét mặt cũng đủ giúp cho bức ảnh thành công. Nếu là chân dung toàn thân hoặc ¾ chiều cao, cần phải đặc biệt chú ý đến hai bàn tay vì trong cỡ hình này hình dáng và tư thế của hai bàn tay cho biết nhiều điều về chủ thể không kém gì gương mặt, không nên chụp ảnh chân dung nhân vật với hai tay suôn đuột hoặc không có hành động rõ ràng.

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm chụp ảnh gia đình hạnh phúc (2)

6. Bí quyết là sắp xếp lệch nhau

Bí quyết để có được ảnh chụp nhóm tự nhiên và đẹp về mặt hình ảnh là sắp xếp mắt của chủ đề ở nhiều mức độ và đa dạng hoá chủ đề. Hãy bố trí để khuôn mặt của một số thành viên thấp hơn những thành viên khác, chẳng hạn hãy để bà thì ngồi trên ghế ,còn bé thì ngồi cao trên vai bố.

7. Đến gần và âu yếm nhau

Ánh sáng tập trung vào khuôn mặt hoặc ánh sáng phẳng thường là cách thức an toàn nhất để chụp một bức ảnh gia đình. Tuy nhiên, như tên gọi của nó, nó có thể tạo ra hiệu ứng phẳng. Ánh sáng phẳng là nguồn sáng đến từ phía sau người chụp ảnh. Nếu có thể, hãy chụp ảnh nhóm với nguồn sáng lệch một góc 45 độ, đồng thời dùng vải trắng hoặc bìa cứng màu trắng ở phái bên kia để làm phản xạ ánh sáng và chiếu sáng cho chủ đề. Cách làm này thường tạo chiều sâu và giúp chủ đề bạn nổi bật lên.


Khi chụp ngoài trời, hãy tìm những bóng râm – dưới tán cây, trong bóng râm của một toà nhà hoặc tán dù để có ánh sáng phân tán đồng đều hơn cho bức ảnh của bạn.Nếu chụp ngoài trời, bạn có thể dùng đèn flash hoặc ánh sáng dịu tự nhiên từ cửa sổ. Quy tắc chung là hãy sắp xếp vật dụng trong nhà ở góc bên phải so với nguồn sáng. Hãy đặt chủ đề gần với cửa sổ và tốt nhất là bố trí ánh sáng lệch nhẹ về một bên để tạo độ sâu với phần bóng râm và những phần sáng nhất.

Mẹo nhỏ: Nếu chủ đề của bạn đứng theo một đường thẳng, hãy sắp xếp để họ đứng lệch nhau một chút và phần vai gối lên nhau để tránh ảnh chân dung trông quá trang trọng. Khi chụp ảnh một nhóm lớn trong khung hình, hãy cố gắng chia nhỏ nhóm thành cụm hai hoặc ba người. Bằng cách này ta sẽ dễ dàng sắp xếp hơn. Hãy cố gắng bố trí chủ đề theo bố cục tam giác, kim cương hoặc hình chữ chi – đây là những bố cục phổ biến thường được sử dụng trong ảnh chân dung. Điều quan trọng là để mọi người đứng sát cạnh nhau. Lý do rất đơn giản – điều này giảm “khoảng cách” và làm toát lên sự mật thiết, sự hoà hợp và sự gần gũi trong nhóm. Ngoài ra, bức ảnh sẽ đẹp hơn nếu để mọi người chạm vào người đứng kế bên. Ngôn ngữ cơ thể tinh tế này giúp liên kết những người trong nhóm với nhau. Điều này rất quan trọng giúp truyền tải cảm xúc của bức ảnh.

8. Ôi thôi, cu cậu lại nhắm mắt nữa rồi!

Một trong những thách thức lớn nhất trong chụp ảnh chân dung gia đình sẽ là một chủ đề sẽ chớp mắt không đúng thời điểm hoặc trông có vẻ ngái ngủ. Mặc dù bạn có thể chụp lại cho một nhóm nhỏ ba hoặc bốn người, nhưng đối với nhóm lớn, điều này thực sự rất bất tiện. Không may là thiết lập chế độ chụp liên tục cũng không giúp ích gì mấy. Điều quan trọng là phải nhìn lướt qua mắt các chủ đề trước khi bấm chụp. Một mẹo hay là bảo mọi người nhắm mắt lại rồi đếm ngược từ năm trở xuống và bảo mọi người mở mắt ra khi đếm đến một. Bằng cách này mọi người có thể giữ cho mắt mở to mà không chớp mắt trong ít nhất một giây để bạn bấm máy và tạo ra một bức ảnh “ăn tiền”.

9. Thu hút sự chú ý

Đối với người lớn và thanh thiếu niên, bạn có thể dễ dàng yêu cầu họ tập turng vì họ thường sẵn sàng để chụp hình và đa số đều muốn mình trông xinh đẹp. Nhưng đối với trẻ em hay những người nhát chụp ảnh thì không hẳn vậy. Hãy cố gắng động viên chủ đề để họ thể hiện tốt nhất trong ảnh.Tiếng cười thường là liều thuốc tốt nhất. Hãy pha trò vui nhộn – bạn sẽ có những tiếng cười, điệu bộ và những vẻ mặt vui nhộn nhất. Đừng ngại làm ra vẻ anh hề để mọi người cảm thấy thoải mái. Đối với trẻ con, một số bé sẽ hưởng ứng trò chơi “ú oà” của bạn từ sau máy ảnh trong khi những bé khác cần phải pha trò quác quác ầm ĩ để chúng cười khúc khích. Bạn cũng có thể yêu cầu một nhóm làm điều gì đó lạ một chút – chẳng hạn tạo một kim tự tháp người, hô hào hoặc nhảy nhót. Cách làm này không chỉ tạo ra những bức ảnh ngẫu hứng và vui nhộn mà còn giúp mọi người thư giãn để có bức ảnh tự nhiên hơn.

10. Hãy làm cho mọi người đều vui.

Cuối cùng thì điều quan trọng là khoảnh khắc chụp ảnh chứ không phải bản thân bức ảnh.Hãy tận hưởng niềm vui, thái độ tích cực sẽ có tác động tốt.Nếu bạn không được bức ảnh như ý muốn, hãy cố gắng nói rằng “bức ảnh này hay đấy”, “chúng ta hãy cố gắng chụp thêm vài kiểu nữa nhé” thay vì nói “nhìn xấu quá” hoặc “như thế này thì không đúng”. Hãy tạo niềm vui và sự tự tin cho chủ đề của bạn; họ sẽ nhanh chóng cảm thấy thoải mái và bạn sẽ tạo được những nụ cười rạng rỡ, ngời sáng mà bạn muốn có trong các bức ảnh chụp gia đình tuyệt vời.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm chụp ảnh gia đình hạnh phúc (1)

Trong một năm với nhiều dịp lễ hội, sinh nhật và những bữa ăn tối ấm cúng khi gia đình quây quần bên nhau, ta sẽ luôn mong muốn ghi lại bức ảnh gia đình tuyệt vời đó. Xét cho cùng, những bức ảnh này là vật kỉ niệm những khoảnh khắc quý giá chia sẻ cùng những người thân yêu của bạn. Chụp ảnh về chân dung gia đình có lẽ là nghề nhiếp ảnh lâu đời nhất – từ thời người ta phải ngồi yên nín thở trước cái hộp đen to tướng cho đến thời nay, khi mà bất kì ai cũng có thể chụp ảnh những người thân yêu của mình một cách dễ dàng với máy ảnh kĩ thuật số SLR. Vấn đề khó khăn là phải chụp không chỉ một người mà nhiều người trong khung hình.Đó quả là một công việc thách thức. Cứ để mấy đứa cháu trai, cháu gái hiếu động quá mức vào rồi bạn sẽ hình dung ra công việc sắp tới sẽ thế nào. Đừng quá lo lắng, chúng tôi sẽ mách cho bạn những yếu tố cơ bản cần nhớ để những người gần gũi nhất và thân yêu nhất của bạn sống mãi qua năm tháng và được thể hiện trong diện mạo tốt nhất có thể.

1. Hiểu chủ đề của bạn

Dì Lily muốn mình trông thật mảnh dẻ, chị hai không muốn đứng gần máy ảnh vì sợ mọi người sẽ nhìn thấy mụn trên mặt chị, còn chú Tom muốn làm sao không để lộ mảng tóc hói trên đỉnh đầu. Hãy hỏi các thành viên trong gia đình xem họ muốn gì và đến khi bạn đã hiểu rõ họ, bạn sẽ giành được những nụ cười rạng rỡ của tất cả mọi người khi sản phẩm cuối cùng được ra lò.

2. Di chuyển nhanh chóng, tận hưởng niềm vui và hành động ngẫu hứng.


Không phải bức ảnh nào cũng chụp ở thế đứng hoặc ngồi. Một số bức ảnh gia đình bạn có thể chụp ngẫu hứng, chẳng hạn như khi Mẹ và Bố đút cho nhau ăn trong bữa ăn tối. Hãy kiểm tra để chắc chắn rằng bạn đã thiết lập máy ảnh DSLR đúng để có thể chộp lấy những tình tiết sinh hoạt gia đình tuyệt vời này.

3. Chú ý sau lưng của bạn!

Phông nền đóng vai trò quan trọng trong một bức ảnh gia đình đẹp. Phông nền bừa bãi với quá nhiều màu sắc có thể làm rối thêm một bức ảnh đã quá bừa bộn. Đừng nghe lời Mẹ khi bà bảo bạn phải đưa khu vực chợ trời vào trong bức ảnh. Nếu là ảnh gia đình, thì hãy tập trung vào con người chứ không phải cảnh vật. Hãy tìm phông màu trung tính hoặc đồng màu như bức tường hoặc một tấm trải giường trơn khi chụp ở nhà. Nếu bạn chụp ngoài trời hãy đa dạng hoá góc chụp – chụp ở góc thấp hoặc cao có thể loại bỏ phông nền rối làm người xem xao lãng.

4. Hãy phối hợp

Cho dù là ảnh gia đình mang phong cách trang trọng hoặc tự nhiên, thường thì bức ảnh sẽ có hiệu quá tốt hơn nếu bạn thông báo để mọi người ăn mặc với tông hoặc màu tương tự nhau. Việc trang bị đầy đủ sẽ quyết định tông màu của những bức ảnh. Ngoài ra, hãy chọn “gam màu nhẹ nhàng tinh tế”, “sôi động” hoặc “gây ấn tượng sâu sắc” thay vì những bộ quần áo giống nhau. Nếu đó là lần sinh nhật thứ 60 của Bố,có lẽ chỉ nên để mình Bố mặc áo màu sáng còn những thành viên khác trong gia đình sẽ ăn mặc giản dị để Bố được nổi bật. Quá nhiều màu sắc và hoa hoè hoa sói sẽ làm người xem rối trí. Ngoài ra, những họa tiết hoa văn quá đặc trưng có thể làm cho những bức ảnh của bạn nhanh chóng lỗi thời.

5. Hãy Cân bằng

Ánh sáng đóng vai trò thiết yếu để tạo nên một bức ảnh chụp nhóm đẹp. Hãy cố gắng để có được ánh sáng đều nhưng điều này không phải lúc nào cũng làm được – nếu không hãy chọn thời điểm chụp lúc 8h sáng hoặc vào “giờ vàng”,tức là 5h30 chiều.Đây là thời điểm ánh sáng dịu ấm và thật sự làm tôn lên vẻ đẹp của bức ảnh. Bạn chỉ cần làm sao để ánh mắt của tất cả mọi người đều sắc nét và khuôn mặt được chiếu sáng gần như đều nhau là tốt rồi.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Album gia đình

“Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm…” Thời gian luôn trôi đi không ngừng nghỉ, không chờ đợi. Bất cứ ai trong chúng ta đều được sinh ra, được nuôi dưỡng, lớn lên, trưởng thành, lập gia đình, có con cái…và luôn mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến. Những kỷ niệm dù vui hay buồn trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ không thể đong đếm được. Nhớ lại những quãng thời gian đã qua, nhớ lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những phút giây hạnh phúc như muốn dừng lại…có lẽ ai trong chúng ta đều đong đầy những cảm xúc.


Vậy tại sao bạn không ghi lại tất cả những cảm xúc ấy? Đúng vậy, hãy ghi lại tất cả, câu chuyện của ngày hôm qua, ngày hôm nay, sẽ được kể lại vào mai sau này. Một cuốn truyện mở sẽ được kể từng ngày, những câu chuyện bằng hình ảnh. Một cuốn Album gia đình ghi lại những hình ảnh hạnh phúc và ấm áp nhất của tình yêu thương, nụ cười mãn nguyện của những bậc làm cha làm mẹ, niềm vui tươi của con trẻ…!

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm chụp ảnh cưới (2)

6.  Làm việc nhanh và chú ý hoặc bạn sẽ bỏ lỡ khoảnh khắc. "Những khoảnh khắc trong cuộc sống đi qua chúng tôi mỗi giây," Pineda cho biết. "Tôi thấy công việc của tôi là để nắm bắt những câu chuyện thật như nó diễn ra tự nhiên. Tôi không phải người thích diễn đi diễn lại, vì vậy tôi phải nhận thức tất cả mọi thứ xung quanh, mọi lúc và làm việc thực sự nhanh chóng để bằng kỹ thuật. Tôi nghĩ rằng những hình ảnh mà khách hàng của tôi đang tìm kiếm là những khoảnh khắc thoáng qua tuyệt vời, các phản ứng. Bạn phải nhận biết và bạn có để có thể di chuyển một cách nhanh chóng để bắt giữ nó. "


7.Phát triển góc độ và tăng cường công việc. Nếu bạn không cảm thấy ê ẩm sau khi chụp một bộ ảnh cưới, bạn có thể không hoạt động đủ. "Điều hành hạ tôi những ngày tiếp theo là cặp đùi của tôi", Pineda. "Tôi thề tôi chụp một nửa đám cưới từ mặt đất, hoặc lên một chiếc thang. Chuyển động cơ thể của bạn để có các góc độ khác nhau với quan điểm cần thay đổi mọi thứ. Đẩy góc của bạn để xem những điều khác biệt so với các góc của 20 nhiếp ảnh gia khác. Đó là những gì luôn luôn ở trong đầu của tôi: các nhiếp ảnh gia tốt nhất trên thế giới sẽ làm gì bây giờ? Ý tôi là hãy rời khỏi phòng và chụp qua cửa sổ hoặc cửa ra vào? Khi tôi cảm giác như công việc được thực hiện, tôi lại bắt đầu suy nghĩ: Phải làm gì tiếp theo "?


8.  Tìm 1 người cố vấn nếu bạn nghiêm túc về việc chụp ảnh cưới. Trong ba năm đầu tiên của mình trong kinh doanh, Pineda hỗ trợ hơn một chục đám cưới của các nhiếp ảnh gia để bổ sung thu nhập của mình và để học hỏi từ kinh nghiệm của họ. "Hỗ trợ càng nhiều người khác nhau càng tốt." cô nói. "Bạn học từ mỗi người một ít để phục vụ cho bản thân. Nó thực sự quan trọng để tìm hiểu và làm cho những sai lầm của bạn xảy ra trên tiền của người khác. Bạn học những điều thực sự khác nhau trong lớp học hơn là thực hành về công việc của chính mình. Có thể sử dụng một bộ não chuyên nghiệp trong trong công việc đang làm của bạn có giá trị rất lớn. "

9.  Nắm rõ số lượng và hiểu khách hàng của bạn. Nếu bạn quyết định rằng bạn đi để có những bước nhảy vọt trên con đường chụp ảnh cưới chuyên nghiệp, Pineda khuyên rằng bạn phải nắm được các con số của bạn, tổng chi phí kinh doanh, điều chỉnh cho các loại khách hàng bạn mong muốn đạt được. "Bao nhiêu tiền để kinh doanh được cho một ngày?", Cô hỏi. "Tôi nghĩ rằng đó là một phần quan trọng của bài tập ở nhà của bạn để nghiên cứu những gì diễn ra, nhưng tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm rất lớn đến giá bản thân nếu dựa trên các đối thủ cạnh tranh của bạn. Bạn phải xác định khách hàng của bạn, những người bạn đang nói đến, trước khi bạn mở cửa dịch vụ. "


10.  Có đam mê với việc chụp ảnh cưới hoặc không làm gì cả. Thành công với đám cưới bao gồm rất nhiều công việc. Nhiều người mới nhầm lẫn cho rằng đầu tư duy nhất của họ là một vài giờ vào cuối tuần. Bởi vì tất cả công việc đều khó khăn và tiềm ẩn sự căng thẳng, Pineda khuyên rằng bạn phải thực sự thích nó trước khi bổ nhào vào "Mọi người đang thuê bạn dựa trên công việc của bạn," bà nói, "nhưng chúng tôi cũng thuê bạn dựa trên cá tính của bạn. Nếu bạn không hứng thú với những gì bạn đang làm, họ sẽ thấy điều đó và bạn sẽ không có gì cho mình. Nếu bạn thích và bạn yêu những gì bạn làm, điều đó sẽ đi qua. Người ta nhận ra điều đó, và họ sẽ thuê bạn như là kết quả của sự nhiệt tình của bạn. "

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm chụp ảnh cưới (1)

Chụp ảnh một đám cưới là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất một nhiếp ảnh gia có thể thực hiện. Đối với các nhiếp ảnh gia giỏi, giống như Laura Pineda, chủ sở hữu Alternate Angles Photography, đó là một niềm đam mê.
Bạn có thể nghe thấy sự hứng thú trong giọng nói của Pineda khi cô nói về đám cưới, và với 15 năm kinh nghiệm, cô ấy là một bậc thầy về chớp những khoảnh khắc đặc biệt. Dưới đây là lời khuyên tốt nhất của cô cho chụp ảnh đám cưới, dù để cho vui hay là chụp dịch vụ.

1. Chuẩn bị cho bản thân với thái độ và thiết bị đúng. Pineda chụp ảnh đám cưới đầu tiên của mình ngay sau khi tốt nghiệp đại học. "Đó là một trong những cơn ác mộng lớn nhất của tôi", cô nói. "Bạn không thể làm lại đám cưới, vì vậy tôi đã mang theo 3 camera và suy nghĩ thế là quá tốt. Đám cưới đầu tiên của tôi cả ba đã làm hỏng.Tôi gặp rắc rối với cái màn trập, nó bị rơi ra. Giữ một nụ cười trên khuôn mặt, tôi nói "Được rồi, bây giờ tôi sẽ chuyển sang đen trắng”, rồi quay đi với bộ mặt rất thê thảm. Nhưng họ không bao giờ biết điều rắc rối là gì. Có khả năng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống để họ không bị mất niềm tin vào bạn là rất quan trọng. "



2.  Quan sát địa điểm chụp để giảm thiểu những bất ngờ và lên kế hoạch sáng tạo cách tiếp cận của bạn. Pineda chuẩn bị cho mỗi đám cưới với một chuyến đi thăm quang cảnh. Ngay cả khi bạn chỉ có thể kiểm tra các địa điểm một ngày trước khi chụp , hoặc chỉ đến sớm trước các sự kiện một chút, một kế hoạch sẵn sàng vẫn là vô giá. "Tôi sẽ đi quan sát quang cảnh trước cho mỗi khách hàng ngay cả khi tôi đã chụp ở những vị trí đó 50 lần," cô nói. "Thực sự là khó khăn hơn khi bạn đã chụp ở vị trí như vậy nhiều lần. Đó là lý do mà tôi đi ra ngoài và thúc đẩy bản thân mình tìm một góc độ khác, một vị trí khác. Có gì trong tòa nhà này mà tôi đã không tìm thấy trước đó thực sự mới lạ? "


3.  Đừng say mê thiết bị hoặc bạn sẽ đánh mất những gì quan trọng. "Rất nhiều người bị bó buộc trong thiết bị", Pineda, "và tôi không thích điều đó. Thực sự là đôi mắt và nhân cách phía sau máy ảnh mới tạo ra những hình ảnh. "Chắc chắn, Pineda có mang thiết bị dự phòng, nhưng trên vai cô ấy là một túi đeo đơn giản với một body và một vài ống kính. "Tôi chụp ảnh với Canon EOS 5D Mark II," cô nói. "Tôi có 70-200mm, một ống 15mm, một 24-70mm và một Lensbaby và một ống mắt cá. Tất nhiên. Tôi có thể chụp một bộ ảnh cưới với mỗi 70-200mm. Đó là ống kính yêu thích của tôi. "

4.  Ống kính nhanh là yêu cầu phải có để chụp ảnh theo 1 cách tự nhiên. Chất lượng thấu kính cũng quan trọng, nhưng Pineda cho biết cái quyết định là tốc độ của ống kính. Khẩu độ lớn tối đa cho phép để làm việc nhanh chóng, chú ý sự tập trung vào chủ đề của mình với độ sâu của trường ảnh, đóng băng chuyển động với tốc độ màn trập nhanh hơn và tận dụng ánh sáng đẹp ngay cả khi nó mờ. "Bạn phải có lens nhanh", cô khuyên. "Tốc độ của ống kính là rất quan trọng. Tôi nghĩ bạn phải có ít nhất ƒ/2.8 hoặc nhanh hơn để thực hiện công việc thực sự tốt. "



5.  Tận dụng tối đa ánh sáng từ môi trường (ambient light) và tắt camera-flash. Pineda tư vấn sử dụng ánh sáng tự nhiên bất cứ khi nào có thể. Nó tốt hơn rất nhiều so với tăng ISO. Khi cô ấy không làm việc với đèn flash, nó không bao giờ cắm trên máy ảnh. Di chuyển ánh sáng thêm độ sâu và hứng thú. "Tôi đang sử dụng ánh sáng tự nhiên rất nhiều", cô nói, "và bất cứ khi nào tôi đang sử dụng ánh sáng tự nhiên, flash nó không bao giờ trên máy ảnh của tôi. Rất nhiều người mới thực sự bị choáng ngợp vì bởi tốc độ mà bạn phải di chuyển và không có đèn flash trên máy ảnh của bạn, nhưng nó rất khả thi. Tôi có một trợ lý ánh sáng và đó là thực sự công việc chính của mình, với ánh sáng từ 45 hay 90 độ. "

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Mẹo chụp ảnh sản phẩm

Vài mẹo nhỏ để giúp bạn tự chụp ảnh sản phẩm một cách dễ dàng và chuyên nghiệp hơn.

PHẢI ĐỦ SÁNG:

Trong nhiếp ảnh, ánh sáng tự nhiên luôn luôn là tốt nhất, chụp ảnh sản phẩm cũng vậy. Thông thường thì chụp ảnh sản phẩm vào ban ngày sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Điều quan trọng không chỉ là số lượng của ánh sáng nhiều hay ít mà còn ở sự phân phối và thống nhất của nó nữa.

ĐỔ BÓNG CỨNG VÀ ĐỔ BÓNG MỀM:

Đổ bóng cứng là khi kích thước của nguồn sáng nhỏ hơn so với kích thước của sản phẩm. Ngược lại, đổ bóng mềm là khi kích thước của nguồn sáng lớn hơn. Đối với chụp ảnh sản phẩm, bạn nên ưu tiên sử dụng bóng mềm.

Càng nhiều ánh sáng thì bức ảnh sản phẩm của bạn sẽ mịn hơn. Và để tránh một bóng cứng cho sản phẩm, bạn có thể sử dụng một bộ khuếch tán tản sáng flash. Dụng cụ này có thể dễ dàng mua được với giá từ 45-50k. Hoặc bạn có thể tự chế cho mình một bộ tản sáng bằng băng dính trắng hoặc túi ni-lông gắn vào đèn flash máy ảnh. Làm như vậy, bạn sẽ được một bức ảnh với ánh sáng sẽ được phân phối một cách nhẹ nhàng hơn và tập trung vào toàn sản phẩm chứ không phải một điểm duy nhất trên sản phẩm.
web bán hàng

NỀN TRẮNG:

Trong việc chụp ảnh sản phẩm, nền trắng sạch sẽ trông tốt nhất vì nó tạo điểm nhấn cho sản phẩm.


TÌM RA NHỮNG GÓC CHỤP MỚI LẠ:

Không ai hiểu rõ các sản phẩm bằng bạn, thế nhưng nếu khai thác chụp ảnh ở một góc độ tốt thì ngay cả bạn cũng sẽ phải ngạc nhiên vì những đặc điểm nổi bật của nó. Vì vậy khi chụp ảnh sản phẩm, hãy tìm ra những góc chụp và điểm nhìn mới lạ độc đáo cho sản phẩm. Bạn sẽ không biết được góc chụp nào sẽ làm nổi bật sản phẩm của bạn nhất nếu bạn chưa thử hết các góc.


SỬ DỤNG CHÂN MÁY ẢNH VÀ BỘ ĐẾM NGƯỢC THỜI GIAN:

Khi chụp ảnh sản phẩm, bất cứ một sự rung động hoặc chuyển động nhỏ nào cũng có thể làm mờ bức ảnh, khiến cho sản phẩm của bạn không được rõ nét. Một chân máy sẽ đảm bảo ổn định khi bạn chụp ảnh. Ngay cả một chân máy rẻ tiền cũng sẽ làm nên một sự khác biệt lớn trong độ sắc nét của hình ảnh của bạn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bộ đếm thời gian của máy ảnh để giảm thiểu rung máy và độ chính xác tối đa.


KÍCH THƯỚC CỦA SẢN PHẨM:

Đối với một số sản phẩm, người xem sẽ khó có thể hình dung được kích thước thật của nó từ bức ảnh. Sẽ rất hữu ích nếu bạn đưa tới người mua hàng cảm giác về kích thước thật của sản phẩm.

Nếu bạn cho hình ảnh một đồ vật quen thuộc với mọi người vào bức ảnh chụp sản phẩm sẽ có thể giúp khách hàng hình dung kích thước của sản phẩm một cách dễ dàng. Ví dụ, nếu sản phẩm là một con búp bê nhỏ, bạn có thể đặt một cây bút chì có kích thước tiêu chuẩn bên cạnh nó, và cung cấp cho mọi người một cảm giác bao quát tổng thể bức ảnh.

ĐỂ SẢN PHẨM TRONG MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN CỦA NÓ:

Hãy chụp ảnh sản phẩm của bạn một cách chân thực. Hơn nữa, việc sử dụng các đạo cụ có thể giúp mang lại một số điểm nhấn trong các bức ảnh.


Ví dụ, nếu bạn có một hình ảnh của một chiếc đồng hồ, hãy chụp nó trên cổ tay của ai đó. Nếu bạn đang bán bàn cà phê, hãy chụp cuốn sách mở trên bàn với một bát hoa quả nhỏ bên cạnh cốc cafe được pha chế cẩn thận. Khách hàng tiềm năng sẽ nhận thức được công dụng của sản phẩm tốt hơn.

MÀU SẮC CỦA SẢN PHẨM:

Bạn có thể chụp ảnh sản phẩm ở tất cả các màu sắc, hoặc bạn chỉ cần chụp một sản phẩm đại diện và đề mô tả sản phẩm bên dưới “Có màu xanh, đỏ, hồng…”

Tuy nhiên, một bức ảnh cho thấy sự đa dạng của màu sắc sẽ làm cho sản phẩm trông phong phú hơn và hấp dẫn hơn.


KHÔNG XÓA TỪ MÁY ẢNH:

Bạn không nên xoá ảnh sản phẩm khi mới chỉ xem trên màn hình máy ảnh. Hãy kiên nhẫn và chờ đợi cho đến khi bạn tải các bức ảnh vào máy tính của bạn. Hình ảnh trông rất khác nhau trên màn hình lớn hơn và đây là cách để quyết định hình ảnh tốt hơn.

CHỈNH SỬA ẢNH:


Khi bạn chuẩn bị hình ảnh cho trang web của bạn, hãy chắc chắn rằng những hình ảnh có cùng kích thước. Chỉnh sửa hình ảnh của bạn để phù hợp với kích thước này sẽ giúp sản phẩm hiển thị với chất lượng tốt nhất.

Nếu bạn không phải là một nhà thiết kế web hoặc thậm chí không hiểu biết nhiều về máy tính, bạn chỉ cần tải hình ảnh của mình vào bất kỳ phần mềm chỉnh sửa ảnh, và sửa nó theo ý bạn. Những thứ như cắt xén và hiệu chỉnh màu sắc có thể tạo nên một thế giới của sự khác biệt trong một bức ảnh.